RAM là gì? Bộ nhớ khả dụng là gì?
RAM, từ viết tắt của Random Access Memory (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên), là một trong những linh kiện quan trọng của smartphone bên cạnh vi xử lý (CPU) và bộ xử lý đồ họa (GPU).
Bộ nhớ RAM
Nếu không có RAM, smartphone hay máy tính sẽ không thể thực hiện những tác vụ cơ bản bởi việc truy cập các tệp dữ liệu sẽ cực kỳ chậm.
Bộ nhớ RAM là thiết bị trung gian giữa các phần cứng khác với nhiệm vụ là cung cấp thông tin cần thiết càng nhanh càng tốt. Có thể hiểu đơn giản là một khi một chương trình hay ứng dụng được khởi chạy, thông tin của nó được tạo ra và lưu trữ trên bộ nhớ RAM để cho các thành phần khác như CPU, GPU lấy thông tin và xử lý. Bộ nhớ RAM càng lớn đồng nghĩa với việc nó có thể chứa một lúc dữ liệu của nhiều chương trình đang chạy song song, do đó khả năng đa nhiệm (chạy nhiều ứng dụng cùng lúc) càng trơn tru, mượt mà.
Hệ điều hành cũng có thể quyết định tắt một số ứng dụng không dùng tới để tiết kiệm RAM cho các ứng dụng khác. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết smartphone đều có dung lượng cao (từ 3GB trở lên) nên dư sức chạy đa nhiệm và không nhất thiết phải tắt ứng dụng này để ứng kia có thể chạy mượt.
Loại RAM sử dụng trong smartphone là DRAM, với chữ D là viết tắt của Dynamic (động). Điều này cũng có nghĩa là nội dung được lưu trong DRAM có thể được thay đổi rất nhanh để lưu nội dung mới. Ưu điểm của RAM động so với RAM tĩnh (static), đó là bộ nhớ có thể thay đổi tùy thuộc vào tác vụ hệ thống đang thực hiện.
RAM khác biệt so với ROM ở chỗ khi RAM không còn được cấp điện thì nội dung lưu trong nó cũng mất đi. Do vậy nó được gọi là bộ lưu trữ khả biến và đây cũng là tính chất giúp RAM có thời gian truy cập rất thấp. Điều này có thể được thấy khi khởi động lại máy: Lúc nguồn ngắt, dữ liệu lưu trong RAM bị xóa hết. Khi máy khởi động lại, RAM lấy dữ liệu từ ROM có tốc độ chậm hơn và tốc độ tải khi khởi động lại máy phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ đọc của ROM.
Bộ nhớ ROM và bộ nhớ khả dụng
Giống như RAM, bộ nhớ trong cũng rất quan trọng đối với hoạt động của smartphone: Nếu không có bộ nhớ để lưu trữ hệ điều hành và các tệp tin quan trọng thì điện thoại chẳng làm được gì cả. Thậm chí cả những điện thoại không có bộ lưu trữ dành cho người dùng thì chúng vẫn có bộ nhớ trong để lưu hệ điều hành.
Thông thường chip lưu trữ các file hệ thống của hệ điều hành được gọi là ROM, tức là Read-only Memory (bộ nhớ chỉ đọc). Người dùng không thể ghi lên ROM, nhưng hệ thống có thể ghi đè lên ROM khi cập nhật.
Phần dung lượng còn lại để cho người dùng lưu trữ được gọi là bộ nhớ khả dụng. Đó chính là lý do khi bạn mua máy, thông số kỹ thuật ghi là ROM 64 GB nhưng thực tế, bạn chỉ được lưu trữ trong khoảng 50 GB, số còn lại là đất dành cho hệ điều hành cũng như các ứng dụng cốt lõi đi kèm và bạn không thể xâm phạm đến vùng đất này.
Xem thêm: Bạn thắc mắc Android hay iOS ngốn RAM hơn? Cứ xem bài này sẽ rõ!